Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Thạch Lỗi - Huyện Cẩm Giàng

23/4/2023  |  English  |  中文

Di tích, danh thắng - Xã Thạch Lỗi

​​

1. Khái quát di tích và nhân vật được thờ

Đình Thạch Lỗi thuộc thôn Thạch Lỗi, xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng vốn được xây dựng trên nền một ngôi miếu cổ có từ thời Tiền Lê,

Theo “Sự tích Thành Hoàng" còn lưu tại đình và nhiều nguồn tư liệu khác thì Lý Bảo Quốc thuộc dòng dõi con cháu quan lại trong triều đình, từ nhỏ đã ham học, thông minh, tài trí hơn người. Lớn lên gặp cảnh loạn lạc, nhà Lương xâm lược. Biết Lý Bảo Quốc là người có tài, vua trọng dụng trao cho một đội quân hùng mạnh và phong tước “Đô hộ tổng binh", chỉ huy dẹp giặc, ông liên tiếp lập chiến công, khiến quân giặc khiếp sợ.



Vào năm Canh Thân, tháng Ba, ông cùng quân sĩ về đóng quân tại đất Hồng Châu, khi đi xem xét địa thế đến trang A Lỗi, thấy đây là vùng đất bằng phẳng, nguồn nước trong mát, cây cối tốt tươi, phong tục thuần hậu, người dân hiền hoà chất phác. Lại nghe nói trong trang ấp có vợ chồng ông bà Vũ Văn Nhã và Nguyễn Thị Kim là người hiền đức có cô con gái xinh đẹp nết na và cầm kỳ thi hoạ là Vũ Thị Hương, Lý Bảo Quốc tìm đến và được biết nàng Hương sinh cùng ngày tháng với ông mà tài sắc vẹn toàn, thật là “Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên", ông bèn đặt lời cầu hôn, đính ước, chờ ngày lành tháng tốt là ngày 15 tháng 9, hai người kết ngãi Châu Trần. Mọi người trong vùng đều cho đây là việc thần tiên, duyên trời định sẵn. Xong việc cưới ông đưa bà về ở thôn Thứ Hồng, xã Thượng Hồng.


Đến năm Ất Mùi, tháng 12 ngày 7, nhận được sớ vua ban, Lý Bảo Quốc đem quân đi dẹp giặc ở Thái Bình, còn bà Hương trở về Trang A Lỗi phụng thờ cha mẹ và đợi tin chồng. Thế trận ngày càng gay go quyết liệt, chiến thắng cũng nhiều, nhưng tổn thương cũng lắm, trong một trận đánh không cân sức, ông bị thương nhiều lần và đã anh dũng hy sinh. Cảm phục trước cái chết của ông và những chiến công mà ông đã giành được, nhà vua đã ban tước, phong thần cho ông: “Đô hộ đại vương, Thượng đẳng phúc thần", đồng thời cho quan quốc sư về nơi trang sách, tìm nơi đất thuận, hướng hay để dựng đền, khắc bia, ghi nhớ công lao của ông. Quốc sư đã chọn trang A Lỗi là nơi có non sông dáng đẹp, nguồn nước trong mát, thế đất rồng chầu hổ phục, quấn quýt, lại có cả sao hoả, sao mộc chiếu vào, bèn cho lập đền thờ ông ở đây.

Lại nói đến bà Vũ Thị Hương, khi chồng đi chiến trận, bà ở nhà lo toan công việc gia đình, động viên mọi người chăm lo sản xuất, đóng góp lương thực cho quân sĩ đánh giặc. Nghe tin chồng mất, bà vô cùng đau đớn, để giữ trọn tình, bà đã gieo mình xuống ao tự vẫn (ao đó có tên là ao Phe Chung, thuộc xóm Tây ngày nay). Dân làng thấy vậy đã cho xây bệ thánh hoá ở đây để thờ bà. Cảm kích trước cái chết tiết nghĩa của bà, vua đã phong sắc và ban tước: “Thái hậu Khánh phu nhân" cho bà. Sau này bà được hợp đền thờ cùng với chồng, cho nên ở hậu cung đình Thạch Lỗi là nơi thờ của ông bà còn bức đại tự có ba chữ: “Hợp kỳ minh" nghĩa là : “Hợp với lòng người, rõ ràng sáng tỏ".

Dân làng A Lỗi Trang cảm phục và biết ơn công lao của Lý Bảo Quốc và bà Vũ Thị Hương đã tôn làm Thành Hoàng, tôn thờ mãi mãi. Các triều đại phong kiến sau đều được phong sắc. Hiện nay trong đình vẫn còn đôi câu đối ca ngợi ông bà, được dịch ra với nội dung như sau:

Hết lòng phụng sự nghiệp vua, rửa sạch hôi tanh làm nên ba chiến tích

Trung thành văn võ giúp Lý vương, Trang bên ngoài phong tặng 6 ngôi đền"

Đình Thạch Lỗi được xây dựng tương đối hoành tráng theo kiểu “tiền nhất hậu đinh", công trình hiện còn gồm toà tiền tế 7 gian, toà trung đình 9 gian và 3 gian hậu cung. Kiến trúc chạm khắc gỗ, nhiều chi tiết còn đậm nét thời Lê, di tích đã được xếp hạng quốc gia năm 1996. Sau khi được xếp hạng, nhà nước và nhân dân đã đầu tư kinh phí tu sửa một số hạng mục như xây tam quan, sửa sân, sửa hậu cung... nguyện vọng của nhân dân địa phương muốn nâng nền toà tiền tế vì nền nhà thấp mỗi khi có mưa to, nước ngập vào tận trong đình gây khó khăn cho công tác bảo vệ và phát huy tác dụng của di tích, nguyện vọng là chính đáng, xong việc thực hiện được còn là điều nan giải với một xã thuần nông như Thạch Lỗi.

1. Lễ hội đình Thạch Lỗi trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

- Tên lễ hội: Lễ hội đình Thạch Lỗi

- Nguồn gốc và thời gian tổ chức lễ hội:

Đình Thạch Lỗi được xây dựng để tôn thờ hai vị Thành Hoàng làng, như đã trình bày ở phần trên, Thành Hoàng Lý Bảo Quốc sinh vào ngày 12 tháng Hai âm lịch, để kỷ niệm ngày sinh của ngài.

Nhân dân Thạch Lỗi mở hội hàng năm từ 12 đến 24 tháng Hai (âm lịch) để cúng tế, trước đây gọi là làng vào đám. Ngoài việc rước, tế, lễ thì lễ hội đình Thạch Lỗi chủ yếu tổ chức hát thâu đêm suốt sáng trong dịp hội, đó cũng là một nét tiêu biểu ở lễ hội này, hát chèo, tuồng, quan họ, múa rối...

Theo một số các cụ cao tuổi ở làng Thạch Lỗi cho biết, ban đầu hội được mở 12 ngày, qua các thời kỳ lịch sử hội được rút xuống còn 9 ngày, rồi 6 ngày.

- Về quy mô lễ hội: Vì lễ hội đình Thạch Lỗi có tổ chức ca hát, diễn tuồng, chèo,  nhân dân trong vùng đến dự lễ hội đông, lễ thành hoàng và nghe hát, cho nên lễ hội không chỉ của riêng làng Thạch Lỗi mà là lễ hội của cả một vùng, chủ yếu là dân của một số xã lân cận đến tham dự lễ hội và được nghe hát dân ca. Tuy vậy, việc lễ được hội đồng tộc biểu của làng duy trì nghiêm ngặt và sự lệ khá chặt chẽ.

- Về diễn biến của kỳ hội có thể biết như sau:

Sau Tết Nguyên Đán, làng họp bàn việc mở hội. Ông Sãi của làng đem mõ rao khắp làng, mời các vị trong hội đồng tộc biểu, hội đồng kỳ hào, các ông Lềnh của 4 phe, ra đình họp để lý trưởng thông qua chương trình làng vào đám, chủ yếu là bàn việc bán ruộng làng để lấy tiền tổ chức đám của làng. Làng Thạch Lỗi xưa có trên 40 mẫu ruộng đình. Việc bán ruộng được diễn ra theo hình thức bỏ phiếu kín, ai có số phiếu cao giá thì được mua ruộng cầy cấy trong một năm lại trả lại làng, hình thức mua ruộng này gọi là mua mầu, bán theo từng thuở, tuỳ theo ruộng tốt hay xấu. Giá cao nhất lúc đó khoảng 2 nghìn đồng tiền Đông Dương một sào ruộng, ai có nhiều tiền mua được ruộng gần, đẹp, người khó khăn chỉ mua được những ruộng xấu, ở vị trí xa làng. Năm nào làng cũng bán hết số ruộng, có khi một thửa ruộng có mấy người bỏ thẻ. Cho nên, nhân dân ở đây vẫn truyền tụng câu ca: “Khó mua mầu, giầu tậu ruộng" để nói về cái sự bán ruộng trên, vì đa số dân trong làng là những người nghèo họ chỉ đủ tiền mua ruộng một năm, ai giầu thì tậu hẳn ruộng có văn tự, cầy cấy và thu hoạch mãi mãi, còn việc mua ruộng mầu thì chỉ cần bỏ thẻ mà được làng chấp thuận là được, cầy cấy thu hoạch trong một năm, nếu sang năm mà bỏ thẻ không được thì không được cầy cấy nữa.

Ngày 11 tháng Hai âm lịch, các phe trong làng cử người ra đình để làm lễ “Mộc dục", quét dọn, bao sái đồ thờ tự, chồng kiệu, trong khi đó cụ tiên chỉ, lý trưởng phải biện lễ để xin phép Thành Hoàng cho làng mở hội. Làng Thạch Lỗi xưa có 4 phe đó là: Phe Đông, phe Nam, phe Đoài và phe Bắc, mỗi phe có một ông trưởng phe gọi là ông lềnh, chuyên lo việc của phe mình, từ sản xuất, đời sống xã hội, đến việc hội hè đình đám... ông Lềnh có quyền hành rất lớn, mọi gia đình trong phe đều phải chấp hành khi ông Lềnh có ý kiến.

Từ sáng sớm ngày 12 tháng Hai, các phe của làng và toàn thể nhân dân đã tập trung tại đình, sau khi làm lễ xin rước bài vị và bát hương thờ, xin thẻ được thì công việc mới tiến hành.

- Quy trình rước: Từ sân đình đi theo hướng đông, vòng quanh làng, ra nghè làm lễ tại nghè sau đó rước theo hướng tây và quay về đình.

- Đội hình rước: Đi đầu là đoàn người cầm cờ, bát biểu, tiếp theo là đội bát âm, có trống, chiêng, thanh la và đội múa lân. Tiếp sau đó là kiệu bát cống bên trên có bài vị Thành Hoàng, kiệu này do 8 thanh niên chưa vợ mặc áo nậu đỏ, đầu đội khăn đầu rìu khiêng, tiếp đó là kiệu long đình bên trên rước bát hương thờ, kiệu này do 8 người nữ đồng trinh mặc áo hội khiêng. Đi theo sau kiệu là các vị chức sắc trong làng mặc áo dài lương, đội khăn xếp, nữ thì mặc áo dài mớ ba mớ bẩy đội lễ vật, cùng dân làng đi theo. Đoàn rước đi trong tiếng nhạc, chiêng trống, thanh la rộn rã. Một điều đáng lưu ý trong đám rước này thường có một ông trung tuổi, có sức vóc, mặc áo kiểu quan võ, tay cầm cờ đuôi nheo (gọi là cờ sai), lúc thì đi trước đoàn rước, có lúc lại đi sau đoàn rước như là một vị chỉ huy. Cứ khi nào đoàn rước đi đến ngã ba thì ông lại hô to: “Trong đồng tốt lúa, ngoài đồng tốt khoai, con giai làng xã, tiếng này tiếng nữa ới a..." vừa dứt lời thì cả đám rước lại hô theo. Lệ hô trong lễ rước này đã làm cho không khí đám rước sôi động hẳn lên, mọi người phấn chấn. Đó là một hình thức sinh hoạt văn hoá phi vật thể mà không phải lễ hội nào cũng có. Bên cạnh đó, trong đám rước còn có một ông đóng giả là người câu ếch, hông đeo vịt bắt ếch, tay cầm cần câu, ăn mặc và trang trí mặt giống như nhân vật hề trong những tích chèo cổ. Người câu ếch đi trước đoàn rước như để dọn đường, mỗi khi gặp các bà, các chị đi xem hội ông lại giơ cần câu để câu vào người họ, sự trêu đùa khôi hài này làm cho mọi người rất thú vị, cười vui và chạy rạt đi. Lễ vật dâng cúng Thành hoàng chỉ là những sản vật địa phương như xôi gà, giầu rượu, hoa quả, nhưng với tấm lòng thành kính cầu mong các vị Thành hoàng chứng giám và phù hộ che chở cho mọi người bình an, làm ăn gặp mọi điều thuận lợi.

Những ngày tiếp theo của kỳ lễ hội là việc tế Thành hoàng, mỗi ngày đều có hai buổi tế, đội tế nam gồm 20 người, tế đủ 5 tuần. Bên ngoài tổ chức đánh cờ người, mời đội múa rối nước về biểu diễn. Trong đình thì tổ chức hát tuồng, chèo, quan họ thâu đêm suốt sáng. Đặc biệt làng Thạch Lỗi là nơi có truyền thống hát tuồng nổi tiếng trong tỉnh.

Về lịch sử hát tuồng ở Thạch Lỗi, theo các cụ cao tuổi trong làng kể lại rằng: Vào cuối thế kỷ 19, ở làng có hai anh em người họ Lê, người anh là Lê Văn Gọi, người em gái là Lê Thị Phan. Vốn là những người yêu văn nghệ và có năng khiếu biệt tài về hát tuồng, ông Gọi đã đi nhiều nơi học hát tuồng và về làng cùng em gái lập ra gánh hát. Gánh hát tuồng của ông đã từng đi biểu diễn ở nhiều nơi trong huyện và tỉnh được mọi người ủng hộ, nhưng chủ yếu là hát trong dịp hội của làng, nhiều thanh niên trong làng cũng học hát và ra nhập gánh hát của ông Gọi, có thời kỳ gánh hát có tới 20 người. Từ khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, gánh hát tạm thời không hoạt động, vì mọi người bận tham gia kháng chiến. Hoà bình lập lại (năm 1954) tuy công việc còn bề bộn do khắc phục hậu quả chiến tranh, nhưng với lòng say mê nghiệp hát tuồng, mong muốn được hát phục vụ dân làng, ông Lê Văn Gọi lúc đó tuổi cũng đã ngoài 70, nhưng ông vẫn quyết tâm khôi phục lại đội tuồng, và một lần nữa lại được mọi người nhiệt tình tham gia, đội tuồng của ông Gọi đã có khoảng từ 15 đến 20 người tham gia, chủ yếu là tự hoạt động. Ông Lê Văn Gọi vừa là đội trưởng, vừa sáng tác, vừa đạo diễn, nhưng chủ yếu là diễn những tích tuồng cổ. Đến những năm 70 của thế kỷ 20, tiếng tăm về đội tuồng Thạch Lỗi vang xa, nhà hát tuồng Trung ương đã về nghiên cứu và đưa giảng viên về giảng dậy và xây dựng lên đội tuồng của xã, có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, sự ủng hộ của nhân dân và nhà hát tuồng Trung ương, đội tuồng Thạch Lỗi đã lớn mạnh về tổ chức, hoạt động tốt và nhiều vở tuồng mới được dàn dựng như các vở Trưng Nữ vương, Trần Quốc Toản ra quân... số lượng nhạc công, diễn viên và người phục vụ có thời kỳ lên tới hơn 30 người. Từng tham gia hội diễn huyện, tỉnh đạt nhiều thành tích tốt. Đến nay, xã vẫn duy trì đội tuồng do xã quản lý có 20 người, nhưng về kinh phí chủ yếu vẫn do sự ủng hộ của nhân dân. Cụ Lê Văn Gọi và cụ Lê Thị Phan đều không xây dựng gia đình nên không có có con cháu, hiện mộ chí còn ở địa phương.

Như đã trình bầy ở phần trên, trong lễ hội đình Thạch Lỗi, ngoài lễ rước, tế, lễ và một số trò chơi dân gian thì ở đây việc hát trong dịp hội là hình thức được thực hiện nhiều nhất, mang tính chất truyền thống, gọi là hát bỏ thẻ, việc hát bỏ thẻ được diễn ra ngay trong ngày đầu tiên của hội, các gánh hát của các địa phương trong huyện, tỉnh muốn đến hát tại đình phải qua một buổi hát bỏ thẻ. Làng cử ra hai người cầm chầu (trống chầu), các gánh hát cử người hát một vài trích đoạn cho các quan viên của làng nghe, những người cầm chầu phải là người am hiểu âm nhạc và các làn điệu dân ca, nếu hát hay thì người cầm chầu đánh Cắc, còn nếu hát không hay thì đánh tùng, cứ mỗi khi có tiếng cắc thì có nghĩa là được một thẻ, kết thúc buổi hát, gánh nào có nhiều thẻ thì được hát phục vụ suốt dịp hội và được làng thưởng tiền, số tiền thưởng không nhiều nhưng có ý nghĩa về mặt tinh thần rất lớn, chính vì thế lễ hội đình Thạch Lỗi thu hút được nhiều hạt nhân văn nghệ trong vùng có dịp gặp nhau để thi thố tài năng.

Cũng để phục vụ cho việc hát tại đình là việc các phe thi nhau làm cỗ để khao hát, 4 phe trong làng, mỗi phe ngày nào cũng phải làm cỗ để dâng cúng Thành hoàng, cho làng chấm giải và để phục vụ cho các vị quan viên nghe hát và các gánh hát ăn. Cỗ làm to hay nhỏ là tuỳ ở các phe, nhưng trong việc này có tính ganh đua rất lớn, nguyên liệu làm cỗ là gạo nếp, gạo tẻ, lợn, gà, cá, rau quả... nhưng phe nào cũng phải chế biến sao cho các món ăn ngon và mĩ thuật trong việc trình bày mâm cỗ. Có phe còn trình bầy một con cá mà những chiếc vẩy cá được kết bằng những đồng tiền chinh, xu thật. Cỗ cũng được làng chấm giải nhất, nhì, ba, tư, cỗ được giải nhất cũng chỉ được thưởng khoảng vài nghìn đồng, nhưng đó lại là sự động viên rất lớn về tinh thần, tạo ra sự thi đua giữa các phe trong dịp hội thiêng liêng của làng.

Kết thúc lễ hội ở đình Thạch Lỗi cũng rất cần phải tìm hiểu, vì đó là một phong tục mà ít thấy ở các lễ hội khác. Vào giữa trưa ngày cuối cùng của hội, trong đình tổ chức lễ tế kết, buổi chiều ở sân đình được lập một đàn thượng và một đàn hạ, bằng cách kê bàn cao khoảng hơn 2m, bên trên bầy lễ vật để lễ thánh, phật, đàn hạ thì thấp hơn một chút bày lễ vật cúng các quan, có mũ và lễ vật, dưới đất giải chiếu bày lễ cúng chúng sinh. Khi các nghi thức bày lễ vật hoàn tất thì làng cho mời về một vị phù thuỷ cao tay để cúng kết thúc hội làng. Sau đó vị phù thuỷ cùng một số vị chức sắc trong làng đi vòng quanh làng, phù thuỷ đánh trống, cứ đến ngã ba thì hô to: “Các, các chư binh, chư bộ, nghe thượng đế lệnh choà, về ăn khao mà chảy", chảy ở đây có nghĩa là “đi". Trong lúc thày phù thuỷ đi khắp đường làng thì nhà nào cũng đem gạo và muối tung ra cổng, nhà có trẻ nhỏ phải giữ không cho chạy ra đường sợ chạm vía các quan sẽ bị quở trách.

2.  Lễ hội đình Thạch Lỗi sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay.

Thạch Lỗi là một xã ở xa đường quốc lộ, thuần nông lúa nước, nhưng là vùng giáp gianh với tỉnh Bắc Ninh, một tỉnh vốn bảo lưu nhiều lễ hội cổ truyền độc đáo, đặc biệt là lễ hội hát quan họ, chính vì thế mà lễ hội đình Thạch Lỗi và những lễ hội của Bắc Ninh ít nhiều có những nét tương đồng, xưa kia việc hát trong dịp hội được coi là hoạt động chính của lễ hội đình Thạch Lỗi. Trải bao biến cố lịch sử, nhân dân nơi đây vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán đặc thù, được biểu hiện trong dịp hội. Trải một khoảng thời gian khá dài, đất nước ta qua nhiều cơn binh lửa chiến tranh, đời sống kinh tế của nhân dân có những lúc vô cùng khó khăn, mặt khác có thời kỳ còn cho rằng lễ hội là việc làm phù phiếm, tốn tiền bạc hoặc cho là mê tín dị đoan, cho nên lễ hội dân gian một thời gian dài không được tổ chức, những hình thức hội làng chỉ còn trong ký ức của những bậc cao niên trong làng, thậm chí có thời kỳ đình Thạch Lỗi dùng làm nơi dậy học cho con em trong xã, thời chống Mỹ là kho cất giữ lương thực của huyện Cẩm Giàng...



Bước sang thời kỳ đổi mới đất nước, nhà nước ta quan tâm tới việc gìn giữ di sản văn hoá dân tộc, tu sửa tôn tạo các di tích lịch sử bao hàm cả việc khôi phục lễ hội truyền thống để động viên nhân dân lao động, học tập. Lễ hội đình Thạch Lỗi được khôi phục từ năm 1993 và đình Thạch Lỗi được xếp hạng quốc gia năm 1996, từ đó nhân dân có đủ cơ sở pháp lý và khoa học để phát huy tốt tác dụng của di tích.

Ngày nay lễ hội đình Thạch Lỗi được tổ chức hàng năm vào 2 ngày, từ 12 đến hết ngày 13 tháng Hai âm lịch (kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng). Từ sáng sớm ngày 11 tháng Hai dân làng đã cử người ra đình quét dọn, bao sái đồ thờ tự và chồng kiệu, trong khi đó ở trong đình dân làng cũng có lễ cúng xin phép Thành Hoàng để mở hội, các gia đình trong làng thì vệ sinh nhà cửa, chuẩn bị lễ để ra đình, những gia đình có con cháu ở xa thì đã về xum họp để dự lễ hội làng, không khí lễ hội đã lan toả khắp làng, mọi người, mọi gia đình được sống trong những giờ phút bận rộn mà vui vẻ, phấn chấn vô cùng.


Sáng ngày 12 tháng Hai, toàn thể nhân dân trong làng, xã đã tập trung tại đình, các đoàn thể được bố trí đứng theo hàng lối để làm lễ khai mạc. Đại diện của chính quyền địa phương đọc lời khai mạc, đọc bản lịch sử Thành hoàng và làm lễ dâng hương, sau đó tổ chức rước. Đoàn rước được bố trí gồm hai kiệu, kiệu bát cống rước bài vị Thành Hoàng và kiệu long đình rước bát hương thờ, 8 thanh niên nam chưa vợ khiêng kiệu bát cống, 8 thanh niên nữ chưa chồng khiêng kiệu long đình, trang phục được mặc theo truyền thống đó là áo nậu đỏ, đầu quấn khăn kiểu đầu rìu. Sau một hồi trống lệnh, đoàn rước khởi hành từ đình, đi theo hướng đông vòng quanh làng và về đình. Đi trong đoàn rước bao gồm các vị lãnh đạo xã, các đoàn thể như thanh, thiếu niên, phụ nữ, mặt trận tổ quốc, cựu chiến binh, phụ lão, hội các già và dân làng... họ ăn mặc đủ mầu sắc kiểu dáng, chủ yếu vẫn là áo dài truyền thống, nhưng đều đẹp hơn ngày thường, đoàn rước đi trong tiếng nhạc lưu thuỷ hành văn, tiếng chiêng, trống rộn ràng, không khí sôi động và vui vẻ. Sau lễ rước là đến lễ tế Thành Hoàng, đội tế nam và nữ đều có từ 19 đến 20 người, họ mặc áo tế và tế đủ 5 tuần như xưa. Bên ngoài có tổ chức một số trò chơi dân gian như chọi gà, cờ tướng, kéo co, múa lân. Buổi tối có hát tuồng do đội tuồng của xã phục vụ, ban ngày thì hát quan họ, trên bến dưới thuyền. hình thức hát dân ca trong dịp hội vẫn thu hút được nhiều người xem. Chiều ngày 12 tháng 2, ban tổ chức lễ hội mời tất cả dân làng, kể cả các con cháu ở xa về đều ra đình thụ lộc, lộc hội chỉ là những lễ vật cúng Thành hoàng tuy giản dị, mộc mạc như xôi gà, hoa quả, giầu rượu... nhưng được mọi người rất trân trọng mời nhau thể hiện sự đoàn kết, thân tình. Kết thúc lễ hội dân làng lập Đàn thượng, mời thày cúng để cúng thánh, phật, các quan và chúng sinh.


Đình Thạch Lỗi là di tích xếp hạng quốc gia, chính quyền địa phương đã thành lập ban quản lý di tích do đồng chí Phó chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, đồng chí trưởng thôn trực tiếp điều hành hoạt động tại di tích. Lễ hội hàng năm được chính quyền địa phương đứng ra tổ chức, có sự phân công tới các đoàn thể của xã, thôn. Số tiền công đức được ban quản lý di tích công khai để tu sửa đình, công tác vệ sinh trước và sau lễ hội được đảm bảo sạch sẽ. Lễ hội diễn ra chỉ có hai ngày gọn nhẹ nên công tác an ninh vì thế không phức tạp và cũng vì lễ hội chỉ trong phạm vi một vùng nên số lượng người tham gia hội không đông lắm, chủ yếu là dân trong xã, ý thức giữ gìn di tích rất cao, không có hiện tượng tiêu cực hoặc những “trò đục nước béo cò" trong dịp hội.


Đội tuồng của xã Thạch Lỗi phát huy truyền thống, thường xuyên luyện tập để phục vụ hội đình và cứ hai năm một lần tham gia hội diễn huyện, tỉnh đều đạt thành tích cao; bà Vũ Thị Thuyết và bà Vũ Thị Diên vinh dự được nhà nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú.

Qua nghiên cứu lễ hội đình Thạch Lỗi xưa và nay, ta có thể làm một phép so sánh như sau:

Lễ hội trước cách mạng tháng 8 năm 1945 diễn ra dài ngày, từ 6 đến 12 ngày, việc tế mỗi ngày hai lần và ca hát thâu đêm suốt sáng, rồi bắt buộc các phe phải thi nhau làm cỗ cúng và phục vụ hát, nhiều thủ tục rườm rà khác đã gây tốn kém tiền bạc, công sức của người dân. Việc tổ chức lễ hội do làng Thạch Lỗi đứng ra là chính, thu hút mọi người nhất là đến xem rước kiệu và nghe hát dân ca. Lễ hội ngày nay được chính quyền địa phương tổ chức, có nội dung cụ thể và chỉ diễn ra trong hai ngày, các thủ tục rườm rà bị bỏ hoặc rút gọn lại, phù hợp với cuộc sống đương đại, tiết kiệm tiền bạc và công sức của nhân dân. Một số tục lệ cũ vẫn được duy trì như rước kiệu, tế, và ca hát, nhưng đều được chọn lọc, rút ngắn thời gian, tạo được sự vui vẻ, thanh thản cho nhân dân sau một năm lao động vất vả. Dịp hội cũng là dịp xum họp của các gia đình, thắt chặt thêm tình đoàn kết xóm làng, dòng tộc, tăng thêm tình cảm quê hương trong dịp hội thiêng liêng. Chính vì thế mà lễ hội đình Thạch Lỗi luôn được nhân dân địa phương hào hứng chờ đón và tham gia nhiệt tình.